Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 8/2 – 12/2: Nhà đầu tư toàn tâm theo dõi gói cứu trợ của ông Biden

Trong tuần này, các nhà đầu tư ngoại hối sẽ tập trung nhiều nhất vào triển vọng gói cứu trợ COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngoài đề xuất cứu trợ 1.900 tỷ USD của tân Tổng thống Mỹ, thị trường cũng có thể theo dõi số liệu lạm phát tiêu dùng mới nhất của Mỹ và dữ liệu GDP của Anh. Đáng chú ý, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ tiếp tục đàm phán xây dựng chính phủ Italy mới sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte từ chức.

Investing.com đã tổng hợp các sự kiện có thể ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:

1. Tương lai đề xuất cứu trợ nghìn tỷ của ông Biden

Hôm 5/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đạt được chiến thắng đầu tiên trong quá trình phê duyệt gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD khi Thượng viện Mỹ thông qua bản đề cương ngân sách cho năm tài khóa 2021. Đề cương điều chỉnh ngân sách này cho phép Đảng Dân chủ thúc đẩy gói cứu trợ mà không cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.

Trước đó, 10 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đề xuất gói viện trợ hơn 600 tỷ USD, chưa bằng một phần ba kế hoạch của Tổng thống Biden. Song, nhiều khả năng ông Biden và các đồng nghiệp Đảng Dân chủ sẽ không chấp thuận một gói cứu trợ khiêm tốn như vậy.

Các ủy ban trong Quốc hội Mỹ sẽ bắt đầu soạn thảo dự luật cứu trợ COVID-19 từ tuần này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự đoán dự luật cuối cùng có thể được Quốc hội thông qua trước ngày 14/3, thời điểm các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung trong thời kỳ đại dịch hết hạn.

Cùng ngày 5/2, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm mới nhất cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ ghi nhận thêm 49.000 việc làm trong tháng đầu tiên của năm 2021. Kết quả này thấp hơn nhiều so với dự báo của đa phần chuyên gia và nhấn mạnh tính cấp thiết của gói kích thích tài khóa mới.

Ảnh minh họa: NPR.

2. Số liệu lạm phát của Mỹ

Giới quan sát kỳ vọng lạm phát có thể tăng mạnh và kéo dài hơn so với dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Số liệu CPI, dự kiến công bố ngày 10/2, sẽ giúp họ xác nhận thông tin.

Các nhà đầu tư trái phiếu Kho bạc Mỹ cho rằng lạm phát sẽ cải thiện, khi mà nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự đoán là sẽ quay về trạng thái ổn định hơn trong nửa cuối năm 2021. Năm ngoái, nền kinh tế Mỹ thu hẹp 3,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến II.

Triển vọng của gói cứu trợ COVID-19 mà ông Biden đề xuất càng làm củng cố kỳ vọng lạm phát.

Trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ đưa ra bình luận về thị trường lao động Mỹ tại một hội thảo trực tuyến do Câu lạc bộ Kinh tế New York tổ chức. Ngoài số liệu lạm phát, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cũng là một chỉ số đáng quan tâm.

3. GDP của Anh

Ngày 12/2 tới, chính phủ Anh sẽ công bố số liệu GDP quý IV/2020 . Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục mở rộng trong quý cuối cùng của năm 2020, mặc dù tốc độ sẽ chững lại đáng kể so với mức tăng 16% trong quý III.

Trong phiên giao dịch ngày 4/2, bảng Anh đã tăng so với đồng USD sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo sẽ tạm thời không cân nhắc lãi suất âm và dồn sức thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau đợt phong tỏa gần nhất. Chương trình tiêm chủng nhanh chóng của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson là một trong các yếu tố tạo tiền đề cho Anh vực dậy.

Tuần trước, BoE còn hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm 2021 từ mức cũ là 7,25% xuống còn 5%. Song, cơ quan này lại nâng dự báo cho năm 2022 từ 6,25% lên 7,25%.

4. “Super Mario”

Ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch ECB, đã được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới của Italy. Giới quan sát dự đoán trong tương lai, cựu Chủ tịch ECB sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo Investing.com, ông Draghi từng được cho là người đã cứu đồng euro khỏi sụp đổ trong cuộc khủng hoảng nợ chính phủ của Eurozone năm 2012.

Các nhà đầu tư hy vọng ông Draghi có thể thực hiện các cuộc cải cách lớn để thúc đẩy tăng trưởng tại một quốc gia từ lâu đã tụt lại phía sau các thành viên khối kinh tế chung.

Tuần trước, thị trường tài chính Italy đã tăng điểm với kỳ vọng ông Draghi sẽ thành công. Lợi suất trái phiếu chính phủ Italy kỳ hạn 10 năm đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7, trong khi cách biệt với trái phiếu German Bund đã thu hẹp xuống mức thấp nhất của 5 tháng.

Có thể bạn quan tâm