Các quốc gia đang tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca. Thị trường 18/3 có gì?
Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam mở đầu phiên giao dịch ngày hôm nay thứ Năm 18/3 với một số thông tin đáng chú ý như: thời gian “test” hệ thống giao dịch mới sàn HOSE dự kiến trong 2 tuần nữa, bản đồ đầu tư Khu công nghiệp tại Việt Nam thêm một điểm sáng tại khu vực Thanh Hóa và một số quốc gia hiện đang tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca do lo ngại về tình trạng đông máu ở người được tiêm… Dưới đây là nội dung những tin tức chính.
1. Thời gian “test” hệ thống giao dịch mới sàn HOSE dự kiến trong 2 tuần nữa
Tại buổi họp giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn FPT (HM:FPT) cách đây hơn tuần, giải pháp sửa nghẽn sàn HOSE là áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE – tức mang hệ thống HNX vào làm mới tại HOSE. Công việc triển khai sửa nghẽn sàn HOSE vẫn chạy song song, một mặt cơ quan quản lý chuẩn bị văn bản và sẽ sớm gửi Thủ tướng để quyết định phê duyệt, mặt khác đơn vị triển khai hệ thống là FPT thì vẫn đang xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết.
Ông Dương Dũng Triều cho biết “Khoảng trong tuần này FPT sẽ làm xong, sau đó chúng tôi mới tính chi phí bao nhiêu tiền, mua phần cứng bao nhiêu, mua bao nhiêu phần mềm…” khi đề cập đến câu hỏi đặt ra là bao giờ thì có thể test được hệ thống, bao giờ chạy thử, kế hoạch mua phần cứng để cài đặt toàn bộ phần mềm giao dịch của HNX sang bên HOSE, rồi máy chủ, phần mềm chỉnh sửa? Hiện tại phần khó nhất là sửa hệ thống HNX thì FPT cơ bản đã làm xong, chỉ còn phải sửa phần cổng kết nối và phương án kết nối giữa các công ty chứng khoán với hệ thống mới, rồi đẩy dữ liệu từ hệ thống mới sang hệ thống điều hành của sàn HOSE, là những việc tiếp theo của FPT.
Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT cũng cho biết, dự kiến khoảng 2 tuần nữa thì test được hệ thống giao dịch mới, tuy nhiên mới chỉ là test nội bộ (test thuật toán), chưa có các công ty chứng khoán test hệ thống. Và một tháng nữa thì các công ty chứng khoán mới có thể test được.
2. Bản đồ đầu tư Khu công nghiệp tại Việt Nam thêm một điểm sáng tại khu vực Thanh Hóa
Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư FDI trong 5 năm qua, đang là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới. Giá thuê trung bình khu công nghiệp Thanh Hóa khoảng 40 – 50 USD/m2, thấp hơn nhiều vùng lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.
Thu hút các dự án đầu tư lớn:
- Foxconn, tập đoàn công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử cho nhiều “ông lớn” công nghệ toàn cầu, trong đó có Apple (NASDAQ:AAPL) vừa tìm kiếm các địa điểm để đặt nhà máy tại Thanh Hóa. 3 địa điểm dự kiến được lựa chọn để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện là Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, khu công nghiệp (KCN) phía Tây TP Thanh Hóa hoặc KCN tại huyện Thiệu Hóa.
- Công ty WHA Industrial Development (Thái Lan) quyết định nghiên cứu đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN tại Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hoảng 335 triệu USD. Tổng diện tích khoảng 1.339 ha, bao gồm 539 ha tại KKT Nghi Sơn và 800 ha tại KCN Phú Quý. Công ty WHA có kinh nghiệm 30 năm phát triển BĐS KCN, từng đầu tư hơn 3.200 ha KCN tại dự án KCN WHA IZ 1 – Nghệ An thuộc KKT Đông Nam Nghệ An.
Từ năm 2016 – 2020, Thanh Hóa thu hút hơn 1.070 dự án đầu tư trực tiếp, bao gồm 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đăng ký lần lượt hơn 114.500 tỷ đồng và hơn 3,6 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Theo quy hoạch phát triển các Khu kinh tế (KKT), KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm KKT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN đô thị – dịch vụ phía Tây và phía Bắc TP Thanh Hóa. Trong đó, khu phía Bắc TP Thanh Hóa có diện tích 800 ha, mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền “công nghiệp 4.0”. Còn khu phía Tây TP Thanh Hóa quy hoạch tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm 900 ha phát triển KCN còn lại là khu đô thị, khu công cộng.
Lợi thế tiềm năng thu hút đầu tư:
- Thứ nhất, theo ông David Jackson, Tổng giám đốc của Colliers Việt Nam nhận định lý do quan trọng nhất để Thanh Hóa có thể thu hút đầu tư lớn là chính sách vĩ mô. Tầm nhìn đến năm 2045 mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Theo đó, Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng hình thành tứ giác phát triển tại miền Bắc.
- Thứ hai, Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng với cảng nước sâu Nghi Sơn với năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT. KKT Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong số 8 KKT ven biển được vận hành với những cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu… Sân bay Thọ Xuân đang được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế, cửa khẩu Na Mèo giúp liên thông với Lào và các quốc gia Đông Nam Á bằng đường bộ. Và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên có thể phát huy tiềm năng du lịch tại địa phương.
- Thứ ba, Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm đến hơn 60% dân số của tỉnh, vừa là nguồn lao động vừa mang đến nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như bán lẻ, các dự án nhà ở hay văn phòng.
Tiềm năng tăng trưởng tương lai:
Hiện nay, nhu cầu về BĐS công nghiệp, kho bãi hay nhà xưởng xây sẵn có khả năng tăng lên đáng kể trên khắp cả nước. Điều này cũng có tác động dây chuyền và khiến giá thuê BĐS KCN Thanh Hóa dự kiến tăng lên trong dài hạn. 4 khu vực của Thanh Hóa được xác định là trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong tương lai là TP Sầm Sơn, KKT Nghi Sơn, KCN Bỉm Sơn (HN:BCC) và KCN Lam Sơn – Sao Vàng. Tỉnh cũng xác định 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng đô thị.
Dự kiến giá thuê BĐS công nghiệp tại Thanh Hóa có thể tăng khoảng 10% tính đến cuối năm nay trong bối cảnh vẫn có khoảng cách khá lớn với nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Gía thuê thậm chí có thể tăng hơn nữa nếu các chuyến bay thương mại có thể vận hành nhiều hơn, nhà đầu tư quốc tế có thể trở lại Việt Nam tìm cơ hội và tính đến các phương án thuê đất tại các khu công nghiệp Thanh Hóa.
3. Một số quốc gia hiện đang tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca do lo ngại về tình trạng đông máu ở người được tiêm
Một số quốc gia bao gồm:
- Áo dừng sử dụng một lô vaccine hôm 7/3 sau khi một người tử vong, một người phát bệnh sau khi tiêm. Lô hàng đó được chuyển tới 17 quốc gia EU.
- Bulgaria quyết định dừng triển khai tiêm chủng vaccine cho đến khi nhà chức trách châu Âu có thông báo giúp xóa bỏ mọi hoài nghi về tính an toàn.
- Ngày 11/3, Đan Mạch dừng tiêm vaccine trong hai tuần sau khi ghi nhận các triệu chứng “cao bất thường” trên một công dân 60 tuổi. Người này tử vong vì đông máu sau khi tiêm vaccine.
- Pháp sẽ dừng tiêm chủng vaccine, chờ đánh giá từ EMA.
- Ngày 15/3, Đức dừng sử dụng vaccine để “đề phòng”.
- Iceland dừng tiêm vaccine từ ngày 11/3, sau khi Na Uy có động thái tương tự, và chờ kết quả điều tra từ nhà chức trách châu Âu.
- Indonesia dừng tiêm vaccine vaccine từ ngày 15/3, chờ đánh giá từ WHO.
- Ireland tạm thời dừng tiêm vì cần “hết sức thận trọng” hôm 14/3, chờ thông tin thêm từ nhà chức trách châu Âu.
- Ý dừng tiêm vaccine ngày 15/3 để “đề phòng” trong lúc chờ phán quyết từ nhà chức trách EU. Các lô vaccine bị đình chỉ là ABV2856, AV6096 và ABV5811.
- Chính phủ Hà Lan tạm dừng chương trình tiêm chủng hôm 14/3 do các quốc gia khác ghi nhận có tác dụng phụ. Ngày 15/3, Hà Lan ghi nhận 10 trường hợp xuất hiện tác dụng phụ đáng lưu ý từ vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
- Na Uy dừng sử dụng vaccine từ ngày 11/3, sau đó thông báo ba nhân viên y tế đang phải điều trị vì xuất huyết, đông máu và tiểu cầu thấp.
- Romania tạm thời dừng tiêm chủng một lô vaccine cho người dân từ ngày 11/3.
- Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha ngày 15/3 thông báo dừng tiêm chủng vaccine trong ít nhất 2 tuần.
- Thái Lan tiếp tục tiêm chủng vaccine từ ngày 15/3 sau khi tạm hoãn trong tuần trước.
Nguồn: https://vn.investing.com/news/stock-market-news/cac-quoc-gia-dang-tam-dung-tiem-chung-va-cxin-astrazeneca-thi-truong-183-co-gi-1946528