Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc thực ra tốt cho thế giới?

Chiến lược
Chiến lược

Vietstock – Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc thực ra tốt cho thế giới?

Nếu Trung Quốc mở cửa trở lại và từ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, dòng chảy hàng hoá từ nước này có thể gián đoạn, đặt ra thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới…

Các công nhân cảng biển trong trang phục bảo hộ ở Thanh Đảo, Trung Quốc hôm 14/1 – Ảnh: Getty/Bloomberg.

Trong 2 năm qua, chủ trương “không khoan nhượng với Covid” của Trung Quốc – bao gồm các biện pháp cứng rắn như phong toả, xét nghiệm trên diện rộng, và kiểm dịch biên giới – đã giúp nước này tránh được số ca mắc và số ca tử vong lớn như nhiều quốc gia phải trải qua. Cùng với đó, dòng chảy mọi sản phẩm từ điện thoại iPhone cho tới phân bón và đồ chơi từ Trung Quốc ra toàn bộ thế giới được duy trì.

Nếu như người tiêu dùng trên thế giới tiếp tục được mua hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc mà không phải đối mặt với cảnh khan hiếm và tăng giá cao hơn, họ sẽ muốn Trung Quốc tiếp tục chiến lược “Zero Covid” (triệt tiêu Covid) – hãng tin Bloomberg nhận định.

TỔN THẤT DO ZERO COVID LÀ LỚN, NHƯNG LỢI ÍCH CÓ THỂ LỚN HƠN

Tuy nhiên, đó lại không phải là điều đang được nói đến bên ngoài Trung Quốc. Có vẻ như thế giới đang ngày càng gia tăng sự chỉ trích nhằm vào cách chống dịch của Bắc Kinh, cho rằng cách làm này gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và đặt ra nhiều rủi ro đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tháng 1 vừa qua, bà Gina Gopinath, quan chức cấp cao thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phát biểu trước báo giới rằng nhà chức trách Trung Quốc cần điều chỉnh cách phản ứng với các đợt bùng dịch Covid-19, cảnh báo rằng gián đoạn gây ra bởi phong toả đặt ra “những hệ quả rất lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu”. Một báo cáo ra tháng 1 của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs (NYSE:GS) cho rằng nếu nhiều tỉnh thành của Trung Quốc bùng dịch do biến chủng Omicron trong mùa đông này và Chính phủ Trung Quốc áp lệnh phong toả toàn quốc, thì tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 của nước này có thể “rơi tự do” về 1,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1976.

Những mối lo ngại như vậy là hoàn toàn có căn cứ. Trung Quốc đang phải hứng chịu nhiều tổn thất về kinh tế, tài khoá và nhân lực để dập các đợt dịch bùng phát ở nước này, và mức độ tổn thất sẽ càng lớn hơn nếu dịch tiếp tục bùng trên diện rộng.

Nhưng trên thực tế, những rủi ro này – đối với cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới – là nhỏ so với tổn thất về con người và kinh tế có thể xảy ra nếu Trung Quốc từ bỏ “Zero Covid”, cho phép virus lây lan trong dân số 1,4 tỷ người. Dù tỷ lệ tiêm đủ vaccine Covid ở Trung Quốc đã đạt mức ấn tượng 87%, người dân nước này vẫn rất dễ tổn thương trước virus Sars-CoV2.

Một làn sóng lây nhiễm khổng lồ có thể nổi lên nếu Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, và tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều so với những gì đang diễn ra ở các quốc gia hiện đang đương đầu với làn sóng biến chủng Omicron. Thực tế cho thấy các vaccine Covid của Trung Quốc có thể kém hiệu quả hơn so với vaccine sử dụng công nghệ mRNA được tiêm phổ biến ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, thành công của Trung Quốc đến thời điểm hiện tại trong việc bảo vệ đại đa số người dân khỏi Covid-19 cũng đồng nghĩa với nước này đang đối mặt với một “khoảng trống miễn dịch lớn” – theo chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu Yanzhong Huang thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) có trụ sở ở New York, Mỹ.

Một điểm test nhanh Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 13/1 – Ảnh: Getty/Bloomberg.

Trung Quốc sẽ rơi vào một “đợt bùng dịch cực lớn”, với quy mô vượt qua bất kỳ đợt bùng dịch nào khác từng xảy ra ở bất kỳ một quốc gia nào khác, với số ca nhiễm có thể lên hơn 630.000 ca mỗi ngày, nếu nước này mở cửa trở lại tương tự như cách thức của Mỹ – theo một mô hình dự báo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh. Cho dù số ca tử vong có thể được giữ ở mức thấp, tương tự như những gì đạt được ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, Trung Quốc vẫn có thể phản chứng kiến số người chết vì Covid-19 tăng lên rất nhiều so với con số chính thức 4.636 ca trong 2 năm qua. Nước Mỹ, với dân số bằng chưa đầy 1/4 so với Trung Quốc, số ca tử vong do Covid-19 mới đây đã vượt mốc 900.000 ca.

Trung Quốc đã liên tiếp trải qua những đợt bùng dịch kể từ khi Covid-19 được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán. Mỗi đợt dịch đều được dập tắt nhanh chóng bằng các biện pháp kiểm soát mạnh tay, tương tự như vụ phong toả thành phố Tây An với 13 triệu dân hồi tháng 1. Toàn bộ người dân ở Tây An đã ở yên trong nhà và chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết trong suốt 1 tháng. Các đợt xét nghiệm diện rộng liên tục được triển khai, cộng thêm biện pháp truy vết các ca nhiễm, giúp Trung Quốc kiểm soát được những ổ dịch Omicron gần đây ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hàng Châu và nhiều địa phương khác.

TRUNG QUỐC THEO ĐUỔI “ZERO COVID” LÂU DÀI, THẾ GIỚI HƯỞNG LỢI?

Cách chống dịch của Trung Quốc đã dẫn tới những đợt đóng cửa tạm thời các bến cảng và nhà máy, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này nhìn chung đã vượt qua được sóng gió của đại dịch mà không hề hấn gì. Xuất khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục trong cả năm 2020 và 2021, và nếu không có dòng hàng hoá liên tục từ Trung Quốc, giá hàng nhập khẩu của Mỹ đã tăng mạnh hơn, và tình trạng khan hiếm – cả hàng thiết yếu và hàng cao cấp – đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Dòng chảy hàng hoá này có thể khó duy trì nếu Trung Quốc thực sự mở cửa biên giới và từ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 hiện nay. Australia – quốc gia từng có một thời gian dài theo đuổi “Zero Covid” như Trung Quốc – đã chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh trong tháng 1 sau khi chấm dứt phong toả toàn quốc và dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Nếu Trung Quốc hành động tương tự, trừ phi virus đã đột biến thành một dạng ít nguy hiểm hơn biến chủng Omicron, phản ứng của người dân Trung Quốc có thể tương tự như cách mà người Australia đã làm: người dân sẽ ở nhà để tránh nhiễm bệnh.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020, nhiều người Trung Quốc đã chọn cách tự cách ly, cho dù Chính phủ chưa yêu cầu họ làm vậy. Nếu số ca mắc và tử vong tăng vọt trên toàn quốc, xu hướng tự cách ly có thể trở lại, nhất là nếu các bệnh viện trở nên quá tải.

Trong một kịch bản như vậy, cú sốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn tất cả những gì đã xảy ra kể từ đầu đại dịch. Thế giới chẳng gặp vấn đề gì khi các siêu thị ở Sydney phải hạn chế khách mua hàng hoặc đóng cửa tạm thời vì không có đủ nhân viên sau khi chính sách “Zero Covid” được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nếu công nhân các nhà máy hoặc cảng biển ở Trung Quốc xin nghỉ ở nhà để tránh mắc Covid-19, buộc các cơ sở này phải đóng cửa, thì cả thế giới có thể “vạ lây”.

Kim ngạch xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc. Đơn vị: tỷ USD – Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc/Bloomberg.

Ngay cả với những gián đoạn tạm thời, sự khan hiếm nhiều hàng hoá có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa và làm trệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang trở nên mong manh do sự lây lan của Omicron. (Gần đây, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 còn 4,4%, từ mức 4,9% đưa ra trước đó).

Dù Omciron đã lọt qua các tuyến phòng thủ của Trung Quốc, nhiều người tin chắc rằng nước này sẽ tiếp tục theo đuổi “Zero Covid” trong năm nay, thậm chí cả sau đó. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng chiến lược này gây nhiều tổn thất, nhưng vẫn tin tưởng lợi ích là lớn hơn những thiệt hại đó – theo một báo cáo gần đây của IMF.

Cho dù Trung Quốc có dùng vaccine tốt hơn để tiêm cho người dân, thì việc đó chưa chắc đã đủ để nước này có thể thay đổi cách thức chống dịch, vì chỉ dựa vào vaccine sẽ không đủ hiệu quả để chống lại sự lây nhiễm, bởi các đột biến của virus có thể lách qua miễn dịch – theo ông Wu Zunyou, trưởng dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc.

“Trước đây, chúng tôi từng nghĩ rằng Covid-19 về cơ bản có thể được khống chế bằng vaccine. Nhưng bây giờ, có vẻ như chẳng có một phương thức đơn giản nào để kiểm soát nó ngoại trừ những biện pháp tổng thể, toàn diện”, ông Wu nói với tờ Thời báo Hoàn cầu mới đây. Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các chính sách hiện tại chừng nào các ca nhiễm nhập cảnh còn có khả năng làm bùng dịch trên diện rộng.

Nhưng thực tế hai năm qua đã cho thấy, những đợt phong toả tạm thời và cục bộ không có nghĩa là các nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc phải dừng hoạt hay hàng hoá không thể lên tàu. Bởi thế, chừng nào Trung Quốc còn thực thi “Zero Covid”, phần còn lại của thế giới còn hưởng lợi.

An Huy

Có thể bạn quan tâm