4 câu hỏi khó chờ đợi Fed trong cuộc họp khuya nay
Vietstock – 4 câu hỏi khó chờ đợi Fed trong cuộc họp khuya nay
Khi chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng vào thứ Năm, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đứng trước một bài toán phức tạp. Dù thị trường gần như chắc chắn về một đợt cắt giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm, câu hỏi lớn hơn là: Fed sẽ phải làm gì để duy trì được cả hai mục tiêu – việc làm ổn định và lạm phát không quay đầu tăng trở lại?
Với giới đầu tư, bên cạnh quyết định lãi suất, họ muốn biết Fed sẽ hành động ra sao dưới thời của tân Tổng thống đắc cử Donald Trump – người thường xuyên chỉ trích Fed và mong muốn lãi suất ở mức thấp. Gần đây, ông Trump cũng đề xuất Tổng thống Mỹ nên có tiếng nói về quyết định lãi suất vì ông “có trực giác tốt”.
* Ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ
* Kinh tế Mỹ ra sao khi Trump trở lại?
Cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell vào lúc 14h (tức 2h sáng ngày 08/11 giờ Việt Nam) được dự báo sẽ là tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, ông được kỳ vọng sẽ thận trọng tránh xa các vấn đề chính trị nóng bỏng hậu bầu cử, theo đúng truyền thống phi chính trị của Fed. Thực tế, cơ quan này đã phải dời lịch họp lại một ngày để tạo khoảng cách với cuộc bầu cử tổng thống.
Dù vậy, hiện có 4 thách thức đang đặt Fed vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Đầu tiên là việc Trump trở lại Nhà Trắng có dẫn đến những thay đổi đáng kể về nhu cầu kinh tế hoặc làm tăng lạm phát trở lại?
Chiến thắng của Donald Trump đặt Fed trước một bài toán phức tạp về chính sách. Nếu các đề xuất của ông về cắt giảm thuế, tăng thuế quan và thay đổi chính sách nhập cư được thực thi, đặc biệt trong kịch bản Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, bức tranh kinh tế có thể thay đổi đáng kể. Kinh nghiệm từ năm 2016 cho thấy Fed sẽ cần thời gian để đánh giá và điều chỉnh các mô hình kinh tế của mình.
Kế đó là lo ngại về thị trường lao động. Khi quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 9, Fed đã bị thúc đẩy một phần bởi sự suy yếu của thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3.7% lên 4.3%. Mặc dù con số này đã giảm xuống 4.1% trong hai tháng gần đây, tốc độ tạo việc làm vẫn còn yếu, đặc biệt trong tháng 10 do ảnh hưởng của thiên tai và làn sóng đình công. Một quy tắc kinh nghiệm trong ngành cho thấy khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, dù chỉ một chút, nó thường sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn.
Ngoài ra, câu chuyện lạm phát chưa kết thúc. Hiện lạm phát đã giảm đáng kể. Chỉ số lạm phátưa thích của Fed chỉ còn tăng 2.1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đã giảm xuống 2.7%. Tuy nhiên, nếu tiến trình kiểm soát lạm phát có dấu hiệu chững lại trong khi nền kinh tế vẫn hoạt động tốt, một số quan chức có thể sẽ ủng hộ việc làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất.
Cuối cùng, đâu là mức lãi suất phù hợp cho dài hạn. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất. Fed đang cố gắng đưa lãi suất về mức “trung lập” sau hai năm tăng mạnh để chống lạm phát. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Mức “trung lập” đó là bao nhiêu?
Trước khủng hoảng tài chính 2008-2009, con số này được cho là khoảng 4% – mức không kích thích cũng không kìm hãm nền kinh tế. Sau khủng hoảng, các nhà kinh tế đã hạ dự báo xuống còn 2%. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo tháng 9, Chủ tịch Powell đã bày tỏ quan điểm rằng mức lãi suất trung tính hiện nay “có thể cao hơn đáng kể” so với giai đoạn trước.
Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 12, sau đó tạm dừng trong tháng 1/2025 trước khi thực hiện thêm nhiều đợt giảm nữa. Theo dự báo của thị trường, đến cuối năm 2025, lãi suất chuẩn có thể xuống mức 3.75%-4.0%, thấp hơn một điểm phần trăm so với hiện tại.
Tuy nhiên, Richard Clarida, cựu Phó Chủ tịch Fed, cảnh báo rằng mặc dù khả năng cắt giảm vào tháng 12 là cao nhưng không phải là điều chắc chắn. Điều này càng trở nên phức tạp hơn khi triển vọng cho năm 2025 vẫn còn rất nhiều bất định.
Với tất cả những thách thức trên, có thể thấy Fed đang đứng trước một bài toán đa biến, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trong từng bước đi. Chính vì vậy, phát biểu của Chủ tịch Powell trong cuộc họp báo sắp tới sẽ được phân tích kỹ lưỡng để tìm kiếm các dấu hiệu về hướng đi tiếp theo của chính sách tiền tệ Mỹ.
Vũ Hạo (Theo WSJ) – Theo nguồn: Investing.com