Fed chuẩn bị cho đợt hạ lãi suất tiếp theo khi kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan

Fed chuẩn bị cho đợt hạ lãi suất tiếp theo khi kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan

Vietstock – Fed chuẩn bị cho đợt hạ lãi suất tiếp theo khi kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan

Kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất vào tháng trước đưa lãi suất quỹ liên bang về mức 4,75-5%, các số liệu về kinh tế bao gồm chi tiêu tiêu dùng và số liệu việc làm, đều khả quan.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 7/11 tới, theo dự báo của toàn bộ 111 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters.

Hơn 90% trong số họ tiếp tục dự báo về một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 12.

Kể từ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất vào tháng trước với mức cắt giảm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ liên bang về mức 4,75-5%, các số liệu về kinh tế bao gồm chi tiêu tiêu dùng và số liệu việc làm, đều khả quan.

Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, với kết quả khảo sát cho thấy cuộc đua là sát nút song ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang chiếm ưu thế trong thời gian gần đây.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Thomas Simons tại Jefferies, cho biết: “Tôi kỳ vọng rằng trong mỗi cuộc họp sắp tới, Fed sẽ thực hiện giảm lãi suất tương đương 25 điểm cơ bản.”

Tuy nhiên, chuyên gia Simons nhận định “dữ liệu chúng tôi thu thập được cho thấy nền kinh tế không quá cần những biện pháp nới lỏng mạnh mẽ.”

Theo ước tính trung bình của các chuyên gia tham gia khảo sát, Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất tổng cộng 50 điểm cơ bản trong hai quý đầu năm 2025 và thêm 25 điểm cơ bản trong quý cuối cùng của năm, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống khoảng 3,00-3,25% vào cuối năm 2025, thấp hơn một chút so với biểu đồ “dot-plot” của thể chế nước Mỹ.

Gần 80% các nhà kinh tế, tức 74/96 người, dự báo lãi suất sẽ về mức 3-3,25% hoặc cao hơn vào cuối năm tới, nhưng vẫn nằm trong khung lãi suất mang tính thắt chặt về mặt kỹ thuật. Ước tính hiện tại của Fed về lãi suất trung tính, mức lãi suất không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng kinh tế, là 2,9%.

Hiện tại, lạm phát dường như đang được kiểm soát, nhưng việc tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng mạnh mẽ có thể làm tái khởi động áp lực về giá trong tương lai.

Số liệu gần nhất về lạm phát, đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến công bố hôm 31/10, được cho là sẽ giảm xuống 2,1% trong tháng Chín từ mức 2,2% trước đó.

Chỉ số lạm phát PCE dự kiến về mức mục tiêu 2% vào quý tới, trước khi đạt mức trung bình 2,1% trong năm 2025 và 2% vào năm 2026.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cả ông Trump và Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đều đề xuất các chính sách mà theo nhiều chuyên gia có thể khơi dậy áp lực giá.

Khi được hỏi chính sách của ai sẽ gây lạm phát nhiều hơn, phần lớn (39/42) cho rằng đó là chính sách của ông Trump, do ông dự định tăng thuế nhập khẩu và thực hiện thêm các biện pháp cắt giảm thuế. Những chính sách này sẽ đòi hỏi chính phủ phải tăng vay nợ đáng kể để bù đắp ngân sách.

“Với kịch bản cơ bản của chúng tôi, các đề xuất của ông Trump, bao gồm cả việc cắt giảm thuế thêm nữa … có thể thúc đẩy tăng trưởng và làm gia tăng rủi ro lạm phát. Nếu việc nới lỏng tài khóa đi kèm với thuế nhập khẩu cao hơn, nguy cơ lạm phát sẽ tăng mạnh,” chuyên gia kinh tế cấp cao Brett Ryan tại Deutsche Bank cho biết.

Phương Nga – Theo nguồn: Investing.com

Có thể bạn quan tâm