Góc nhìn tuần 18 – 22/11: Kỳ vọng tạo đáy?

Góc nhìn tuần 18 - 22/11: Kỳ vọng tạo đáy?

Vietstock – Góc nhìn tuần 18 – 22/11: Kỳ vọng tạo đáy?

Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng thị trường có thể tiếp tục giảm điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần tới nhưng cũng kỳ vọng sẽ sớm tạo đáy và hồi trở lại.

Có thể về vùng 1,200

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 1,200 điểm trong những phiên tới. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật đã giảm về vùng quá bán cho thấy nhịp hồi kỹ thuật có thể sớm xuất hiện trong những phiên tới và các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo ở nhịp giảm mạnh. Điểm tích cực là các chỉ số VN-Index, VNMidcaps và VNSmallcaps hình thành mô hình đảo chiều tăng giá cho nên các nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư đã bi quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại.

Kỳ vọng sẽ sớm có đáy hồi trở lại

CTCK Phú Hưng (PHS): Về mặt kỹ thuật, đồ thị VN-Index tiếp tục có nến giảm đặc kèm khối lượng tăng cho thấy áp lực bán mạnh, gap xuất hiện phiên nay có thể là gap kiệt sức sau nhịp giảm hơn 1 tháng qua. Với tín hiệu hiện tại, đà giảm chỉ số có thể vẫn còn tiếp diễn, nhưng hiện đã vào vùng hỗ trợ mạnh hơn ở 1,200-1,220, cùng với các tín hiệu tiếp tục quá bán sâu hơn, kỳ vọng có thể sớm có đáy hồi trở lại trong tuần tới. Chiến lược chung có thể giữ vị thế và chờ đợi tín hiệu quanh hỗ trợ để có hành động phù hợp.

Chưa thể cản đà giảm

CTCK VPBank (HM:VPB) (VPBankS): Tâm lý nhà đầu tư đang ở mức “cùng cực” khi lại tiếp tục một phiên giảm mạnh của thị trường, đã có hơn 300 cổ phiếu giảm điểm ở sàn HOSE. Chỉ số VN-Index đã giảm 4/5 tuần liên tiếp và xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ. Trong khi đó thanh khoản phiên hôm nay đã tăng lên cho thấy có dòng tiền bắt đáy, tuy nhiên dòng tiền mua ở thời điểm này sẽ đầu tư dài hạn do vậy quá trình giải ngân có thể kéo dài, chưa có tín hiệu của dòng tiền nóng và vẫn chưa cản bước được đà giảm của thị trường. Nhà đầu tư có thể chuẩn bị lựa chọn cổ phiếu cho danh mục khi nhiều cổ phiếu đã giảm 30-40% kể từ đỉnh. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số VN-Index là 1,180 – 1,200 điểm.

Xác suất hồi phục đang gia tăng

CTCK Thiên Việt (TVS): VN-Index giao dịch thận trọng xuyên suốt phiên giao dịch hôm nay trước khi đóng cửa quanh ngưỡng 1,218.6 điểm (-1.1%). Nỗ lực phục hồi bị lấn át gần cuối phiên khi thị trường giảm điểm với thanh khoản tăng. Nhà đầu tư đang lỗ trong ngắn hạn lưu ý không nên bán ra trong các nhịp rung lắc sắp tới mà nên nắm giữ, chờ đợi nhịp hồi phục để cơ cấu danh mục.

Trên đồ thị ngày, VN-Index tiếp diễn xu hướng giảm ngắn hạn. Tuy nhiên RSI của chỉ số tiến vào vùng quá bán, cho thấy xác suất hồi phục đang gia tăng vào đầu tuần tới. Hỗ trợ tiếp theo của chỉ số là 1,200 – 1,210 điểm trong khi kháng cự gần sẽ là 1,220 – 1,225 điểm.

Không bán đuổi

CTCK Tiên Phong (TPS): VN-Index hình thành cây nến bán mạnh với thanh khoản lớn. Đây tiếp tục là một phiên giảm điểm mạnh và kéo chỉ số VN-Index về xuống dưới 1,200 điểm. Trên khung đồ thị 1D, vùng hỗ trợ 1,220 điểm bị phá vỡ. Trong những phiên tiếp theo, VN-Index có khả năng sẽ có hồi phục ngắn hạn để kiểm nghiệm lại vùng kháng cự này. Tại đây, nếu không có sự tham gia của lực cầu bắt đáy, thị trường sẽ thoái lui xuống vùng 1,180 điểm. Trước những biến động khó lường của thị trường, TPS khuyến nghị nhà đầu tư không bán đuổi. Tận dụng nhịp hồi kỹ thuật để cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu.

Vẫn có thể rung lắc trong ngắn hạn

CTCK Vietcombank (HM:VCB) (VCBS): Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung điều chỉnh về khu vực điểm 1,220, tương đương mốc 0.789 của thang đo Fibonacci mở rộng và chỉ báo RSI cũng đã ở vùng quá bán cho thấy mặt bằng giá hiện tại có thể sẽ thu hút được lực cầu mạnh mẽ hơn trong các phiên tới giúp thị trường cân bằng trở lại. Tuy nhiên với diễn biến hiện tại, trong trường hợp nhà đầu tư vẫn chờ đợi để giải ngân ở vùng giá chiết khấu hơn thì ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1,210, tương đương mốc 1 của thang đo Fibonacci mở rộng.

Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung bám sát đường biên dưới dải Bollinger band và vận động vào trong dải nhờ lực cầu phiên chiều. Chỉ báo dòng tiền CMF hướng xuống cùng đường -DI và ADX trên mốc 25 cho thấy dòng tiền đang thiếu sự vận động, lan tỏa cần thiết để giúp VN-Index cân bằng hồi phục và rủi ro rung lắc trong ngắn hạn vẫn cần được tính đến.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời đối với những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng T+ để bảo toàn lợi nhuận khi thị trường đang có những biến đông rung lắc điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao vẫn có thể chọn lọc cổ phiếu duy trì được vận động ổn định như giữ vững vùng hỗ trợ và cho tín hiệu thu hút dòng tiền, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi diễn biến của thị trường chung, nhưng cần tuân thủ ngưỡng cắt lỗ/chốt lời để bảo toàn vốn.

Tiếp tục thận trọng

CTCK Rồng Việt (VDSC): Thị trường tiếp tục giảm điểm sau khi đánh mất vùng hỗ trợ 1,240 điểm trong phiên trước. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung vẫn gây áp lực đến thị trường. Mặc dù thị trường có dao động khá mạnh quanh 1,220 điểm nhờ lực cầu giá thấp nhưng vẫn chưa thể giúp thị trường cải thiện. Có khả năng thị trường sẽ có những nỗ lực hồi phục trong thời gian gần tới nhưng có thể chỉ mang tính chất kỹ thuật. Đồng thời rủi ro thị trường lùi về vùng 1,200 điểm vẫn đang tiềm ẩn. Do vậy, quý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và chờ tín hiệu hỗ trợ cụ thể của dòng tiền trong thời gian tới. Hiện tại, độ ổn định của thị trường thấp và rủi ro tiềm ẩn nên nhà đầu tư cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.

Tránh bán đuổi giá thấp

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tiếp tục hình thành nến “Marubozu” giảm điểm thân đặc với thanh khoản gia tăng. Mặc dù có hoạt động bắt đáy đan xen, lực cầu lại cho thấy động lượng suy yếu hơn so với phe bán trong các nhịp giằng co, từ đó đánh mất đi thế kiểm soát. Với việc xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang là chủ đạo, kết hợp với quán tính lao dốc mạnh, nhịp hồi phục kỹ thuật có thể xuất hiện nhưng không thực sự đáng tin cậy. Nhiều khả năng áp lực bán sẽ áp đảo trở lại, để ngỏ rủi ro phá vỡ ngưỡng hỗ trợ gần. Sau những phiên lao dốc mạnh, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh bán đuổi giá thấp, có thể tranh thủ cơ cấu lại danh mục trong nhịp hồi phục tại quanh các vùng hỗ trợ.

Có thể về vùng 1,200?

CTCK BIDV (HM:BID) (BSC): VN-Index đã giảm xuống mức 1,217 điểm trong phiên sáng và hồi phục nhẹ đầu phiên chiều trước khi đóng cửa tại mốc 1,218.57 điểm, tương ứng giảm -1.08% so với phiên ngày trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực, với 16/18 ngành có phiên giao dịch giảm điểm. Trong đó ngành Truyền thông dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành Dịch vụ tài chính, Bán lẻ,… Ở chiều ngược lại ngành Bảo hiểm, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp tăng điểm. Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng, với giá trị bán ròng là 1,429.54 tỷ đồng, cao nhất kể từ trong tháng 11. Xu hướng suy giảm vẫn đang diễn ra, chỉ số VN-Index có thể tiến về vùng hỗ trợ 1,200 điểm.

Tử Kính – Theo nguồn: Investing.com

Có thể bạn quan tâm