Tâm lý thị trường 7/7: Niềm vui không trọn vẹn

Tâm lý thị trường 7/7: Niềm vui không trọn vẹn© Reuters

Theo Hoang Nhan

Investing.com — Phiên giao dịch ngày 6/7 chứng kiến VN-Index giảm mạnh bất thường đặc biệt là trong 30 phút cuối phiên. Vì chưa có lý giải hợp lý và chắc chắn cho diễn biến phiên ngày hôm qua, do đó, thị trường bắt đầu phiên giao dịch mới 1 cách tương đối thận trọng. Sau khi nhún xuống vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là 1,320-1,340 điểm, chỉ số nhanh chóng bật trở lại vùng tham chiếu trước khi khởi sắc hơn vào phiên chiều. Các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 tăng mạnh hơn 50 điểm, qua đó giúp VN-Index tăng hơn 30 điểm. Tuy vậy, nhóm mid-cap và penny không phục hồi mạnh mẽ như những gì cổ phiếu large-cap thể hiện. Điều này khiến khá nhiều nhà đầu tư vẫn chịu lỗ hoặc bị thu hẹp lợi nhuận đáng kể nếu sở hữu danh mục có tỷ trọng cổ phiếu mid-cap/penny cao.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index tăng 33.76 điểm (2.49%) lên 1,388.55 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 226 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1.32 điểm (0,41%) lên 319,83 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 136 mã giảm và 160 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,03%) lên 89,1 điểm. Toàn sàn có  86  mã tăng, 186 mã giảm và 58 mã đứng giá.

Thanh khoản trên cả 3 sàn trong phiên hôm nay giảm nhẹ so với 2 phiên trước, đạt mức 31.8 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 878 triệu cổ phiếu. Thanh khoản trên sàn HoSE ở mức 26.59 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận đạt 2 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh hơn 2 nghìn tỷ đồng trên HoSE. Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất có HPG (HM:HPG), VHM (HM:VHM) , MBB (HM:MBB), VNM (HM:VNM), MSN (HM:MSN),… Ở chiều ngược lại, các mã bị bán ròng có CTG (HM:CTG), E1VFVN30, VPB (HM:VPB),…

Trong phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đóng cửa nằm ở nửa trên của cây nến giảm mạnh trước đó. Điều này cho thấy bên mua đã chiếm lại được ưu thế vào cuối phiên. Trong các phiên giao dịch tới, vùng 1,390-1,400 sẽ là kháng cự ngắn hạn của VN-Index. Đường MA20 tạm thời vẫn đóng vai trò hỗ trợ cho chỉ số sau khi VN-Index đóng cửa trên mức 1,380 điểm. Vùng hỗ trợ tiếp theo ở mức 1,325-1,340 điểm. Chú ý chỉ báo MACD vẫn đang duy trì dưới đường tín hiệu nên rủi ro điều chỉnh vẫn còn. Trong khi đó, chỉ báo RSI đã tạo tín hiệu phân kỳ từ phiên 5/7. Sau khi bật tăng từ ngưỡng 50 trong phiên hôm nay, kháng cự tiếp theo của RSI ở mức 63, ứng với đường trendline từ tháng 1/2021. Các nhà đầu tư chú ý cơ cấu lại danh mục và quản trị rủi ro để sẵn sàng trước những diễn biến của thị trường.

Sau diễn biến bất thường của thị trường, nhóm VN30 dường như là một sự lựa chọn an toàn hơn trước các biến động. Lực cầu trong phiên hôm nay dâng cao, tập trung vào nhóm VN30 – chiếm tới 61% thanh khoản của HoSE. Trong đó có VHM, TCH, MSN, GAS (HM:GAS), PNJ (HM:PNJ), MWG (HM:MWG) tăng mạnh trên 6%. Có thể thấy các cổ phiếu ngân hàng, sắt thép dù vẫn được chú ý nhưng không còn quá hấp dẫn ở thời điểm hiện tại do nhiều ý kiến cho rằng kỳ vọng từ kết quả kinh doanh của 2 nhóm này đã được phản ánh vào giá. Trong nửa cuối năm 2021, các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và sắt thép được nhiều chuyên gia nhận định là sẽ khó có thể ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như nửa đầu năm. Nguyên nhân là do mức tăng trưởng cao của 2 ngành vào cùng kỳ  năm ngoái. Ngoài ra, nhóm sắt thép dự kiến sẽ sụt giảm doanh thu do thị trường xây dựng đang bước vào mùa mưa, bên cạnh đó là giá sản phẩm đầu ra cũng đang điều chỉnh lại so với giai đoạn tăng nóng đầu năm. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm lại do lãi suất tiền gửi nhích tăng và lãi suất cho vay ở mức thấp khiến biên lợi nhuận giảm. Chưa kể đến việc các ngân hàng cuối năm nay sẽ phải trích lập dự phòng khi thông tư 03 hết hạn khiến lợi nhuận bị thu hẹp.

Cổ phiếu bán lẻ trong khi đó lại được chú ý trong phiên hôm nay với sự dẫn dắt của MWG, PNJ, FRT (HM:FRT), VPG, VRE (HM:VRE),… Việc giãn cách xã hội kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận thời gian tới của các công ty bán lẻ do các cửa hàng vật lý giảm số lượng người mua sắm. Dịch bệnh cũng khiến nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu giảm đáng kể. Tuy vậy, chứng khoán vốn là thị trường của sự kỳ vọng. Và các doanh nghiệp bán lẻ cũng được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ nhất khi nền kinh tế quay trở lại bình thường.

Ở phần tin tức, giá cước vận chuyển container tăng nhanh trong bối cảnh các chủ hàng phải cạnh tranh trả giá cước cao hơn để được đặt chỗ với các hãng tàu.. Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants của Anh cho biết tính đến ngày 1/7, chi phí vận chuyển container 40 feet trung bình ở 8 tuyến đường biển chính của thế giới đã lên mức 8.399 USD, tăng đến 53,3% chỉ trong 2 tháng, tức tăng với tốc độ chưa từng thấy. Giá cước vận tải biển tăng là kết quả của hàng loạt sự “đứt gãy” khắp các chuỗi cung ứng, dẫn đến sự trì hoãn hoạt động ở các cảng và mạng lưới phân phối nội địa khi các nhà bán lẻ chạy đua bổ sung kho hàng đã cạn kiệt hậu dịch bệnh.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Indonesia đã quyết định dừng không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Với quyết định này, mặt hàng tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào Indonesia sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá mà theo cáo buộc có thể lên đến 49,2%.

Nguồn: https://vn.investing.com/news/stock-market-news/tam-ly-thi-truong-77-niem-vui-khong-tron-ven-1954883

Có thể bạn quan tâm