Sản xuất của công xưởng châu Á bị gián đoạn vì dịch bệnh

Sản xuất của công xưởng châu Á bị gián đoạn vì dịch bệnh
Sản xuất của công xưởng châu Á bị gián đoạn vì dịch bệnh

Vietstock – Sản xuất của công xưởng châu Á bị gián đoạn vì dịch bệnh

Hoạt động sản xuất của châu Á đang mất đà trong tháng 8/2021 khi sự bùng phát của biến chủng Delta gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại khu vực này.

Đông Nam Á – công xưởng sản xuất chi phí thấp cho các công ty toàn cầu – bị tác động cực kỳ nặng nề vì dịch bệnh Covid-19 và các đợt tạm ngưng sản xuất. Chỉ số PMI sản xuất thu hẹp mạnh ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

 

Trong một tín hiệu đáng ngại cho nền kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất của Trung Quốc cũng bị thu hẹp trong tháng 8/2021. Đây là lần đầu tiên sản xuất Trung Quốc bị thu hẹp trong 1.5 năm qua trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tho cao đè nặng lên hoạt động sản xuất.

Các quốc gia xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều chứng kiến sản xuất chững. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng thiếu chip và đóng cửa nhà máy tại châu Á đang ảnh hưởng tới đà hồi phục của các nước này.

“Các gián đoạn liên quan Covid-19 tạo thêm trở ngại, đang gồm thiếu bán dẫn và phí vận tải biển cao, cho các nhà sản xuất khu vực”, Alex Holmes, kinh tế gia thị trường mới nổi châu Á tại Capital Economics, nói.

Đà suy yếu tại khu vực châu Á khá tương phản với châu Âu. Các nhà máy tại châu Âu được kỳ vọng tiếp tục đà tăng trưởng giữa lúc các nước đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin.

Cuộc khảo sát về PMI thể hiện rõ tác động trên diện rộng của dịch bệnh tới khu vực châu Á. Tại đây, đà tăng về số lượng ca nhiễm và các biện pháp phong tỏa gây tổn thương tới cả lĩnh vực dịch vụ lẫn sản xuất.

Đợt bùng phát biến chủng Delta tại châu Á gây ra nhiều rắc rối về chuỗi cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Nhiều trong số các công ty này phụ thuộc vào các phụ tùng xe hơi và thiết bị bán dẫn được sản xuất chi phí thấp như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

“Nếu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tiếp tục duy trì, Đông Nam Á có thể khó giữ vị trí trung tâm sản xuất toàn cầu”, Makoto Saito, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI, cho hay.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit Trung Quốc tháng 8 giảm còn 49.2 điểm từ 50.3 điểm hồi tháng 7. PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng và ngược lại. Kết quả này thấp hơn kỳ vọng rất nhiều, cho thấy sự mong manh của đà hồi phục kinh tế tại Trung Quốc.

Chỉ số PMI của Nhật Bản giảm từ 53 điểm (tháng 7) xuống 52.7 điểm trong tháng 8/2021, khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Chỉ số PMI sản xuất của Hàn Quốc cũng giảm từ 53 điểm xuống 51.2 điểm. Tại Việt Nam và Malaysia, hoạt động sản xuất suy giảm trầm trọng vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và nhiều nhà máy buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Từng được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi châu Á đang dần tụt lại so với các nền kinh tế phát triển trong quá trình phục hồi hậu đại dịch do quá trình triển khai tiêm chủng chậm và biến chủng Delta ảnh hưởng chi tiêu dùng, sản xuất.

Sản xuất tại Việt Nam suy giảm

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index – PMI) ngành sản xuất của Việt Nam giảm còn 40.2 điểm trong tháng 8 so với 45.1 điểm của tháng 7, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Các điều kiện kinh doanh đã giảm ba tháng liên tiếp.

Những hạn chế do Covid-19 khiến một số nhà sản xuất phải đóng cửa tạm thời, trong khi những nhà sản xuất khác thiếu nhân viên và khả năng sản xuất bị hạn chế. Kết quả là, sản lượng giảm với tốc độ đáng kể. Tốc độ giảm nhanh thứ nhì trong lịch sử chỉ số, chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng 4/2020.

Bức tranh tương tự được ghi nhận với số lượng đơn đặt hàng mới, khi chỉ số này giảm tháng thứ ba liên tiếp và tốc độ giảm là nhanh nhất trong 16 tháng. Tốc độ giảm của số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn khi những hạn chế do Covid-19 làm hoạt động xuất khẩu khó khăn.

Thị trường lao động của lĩnh vực sản xuất cũng chịu ảnh hưởng của các hạn chế giãn cách xã hội. Một số công ty cho biết đã hoạt động theo chính sách ‘3 tại chỗ’ để duy trì một số nhân viên tại nơi làm việc, nhưng không phải tất cả nhân viên đều có thể giam gia. Về tổng thể, việc làm đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, và tốc độ giảm là nhanh và mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

Có thể bạn quan tâm